Ngày 12 tháng 12 năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2023-2025.
Nguyên tắc thực hiện phân cấp ngân sách
1. Thực hiện đúng quy định trong quản lý ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp. Đảm bảo tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) phân chia theo quy định đối với từng khoản thu được phân chia.
2. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương gắn với phân cấp quản lý nhà nước, phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của từng cấp ngân sách, đảm bảo công bằng, phát triển cân đối giữa các huyện, thị xã, thành phố.
3. Ngân sách cấp tỉnh giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi của toàn tỉnh, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 40 của Luật Ngân sách nhà nước. Ngân sách huyện được phân cấp nguồn thu đảm bảo tính chủ động, khuyến khích khai thác các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện những nhiệm vụ chi được giao, đảm bảo tự cân đối chi thường xuyên, từng bước tự cân đối chi thường xuyên và chi đầu tư đối với các địa phương có khả năng.
4. Việc ban hành và thực hiện chính sách mới phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp. Các huyện, thị xã, thành phố phải tự cân đối, đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện các chính sách mới ban hành; ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa tự cân đối chi thường xuyên sau khi sử dụng hết các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp khác theo quy định của các huyện, thị xã, thành phố.
5. Trong thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước, trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động, các khoản thu mà chưa được dự toán làm ngân sách các huyện, thị xã, thành phố, cấp xã tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại điểm d, khoản 7, Điều 9 Luật ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ, bổ sung cho ngân sách cấp huyện theo thẩm quyền.
6. Khi địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm trọng, địa phương phải chủ động sử dụng dự toán ngân sách địa phương, bao gồm cả dự phòng và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để khắc phục; nếu vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách cấp trên sẽ xem xét, hỗ trợ.
7. Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Mời quý bạn đọc cùng theo dõi Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND dưới đây:
Bài viết liên quan: