Luật BHXH quy định, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp con chết gồm bản sao giấy chứng tử của con, trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của mẹ.
Bà Phạm Thị Thủy (Hà Nội) đóng BHXH từ năm 2007. Vừa qua, bà phải thực hiện đình chỉ thai nghén tại bệnh viện nhưng chỉ được cấp giấy ra viện có ghi đình chỉ thai nghén, mẹ ra viện, con tử vong, kèm theo các hồ sơ hội chẩn tại viện ghi rõ thai 32 tuần; không cấp giấy chứng sinh, chứng tử.
Bà Thủy nộp hồ sơ ra viện cho BHXH quận để giải quyết chế độ thì được trả lời, nếu bà cung cấp giấy Chứng tử thì được lĩnh 16 triệu đồng, có Giấy ra viện thì được 5 triệu đồng. Bà Thủy hỏi, trường hợp của bà được hưởng chế độ BHXH như thế nào?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ là đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con mà con bị chết dưới 2 tháng tuổi mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con.
Điều 101 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp con chết gồm: Bản sao giấy chứng tử của con, trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của mẹ.
Như vậy, về hồ sơ của bà là đảm bảo nhưng do bà không nói rõ về thời gian đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh con nên BHXH Việt Nam không đủ căn cứ để trả lời bà.
Nếu bà đã đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con và trích sao hồ sơ bệnh án thể hiện sau khi sinh con chết thì bà nghỉ 4 tháng tính từ ngày sinh con.
Bài viết liên quan: