Từ ngày 4-4, BHXH TP HCM sẽ thực hiện việc thu BHXH tự nguyện đối với những người đã đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết như vậy.
Phóng viên: Ông nói rõ hơn về quy định đóng BHXH tự nguyện cho những người còn thiếu thời gian đóng BHXH?
– Ông Cao Văn Sang:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện điều 76 của Luật BHXH và một số điều của Nghị định số 134/CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Thông tư có hiệu lực từ ngày 4-4-2016.
Theo đó, những người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Có thể chọn cách đóng hằng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Người dân làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: Bảo Nghi
Cụ thể mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính như thế nào?
– Mức đóng một lần bằng tổng thời gian thiếu nhân với lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Ví dụ: Bà Q. đến tháng 10-2017, đủ 55 tuổi và có thời gian tham gia BHXH là 16 năm 3 tháng, lựa chọn phương thức đóng 1 lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu với mức thu nhập tháng lựa chọn là 3 triệu đồng/tháng. Giả định lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm 2016 là 0,826%/tháng và mức thu nhập tháng bà Q. lựa chọn cao hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm tháng 10-2017. Mức đóng BHXH tự nguyện cho 3 năm 9 tháng (45 tháng) còn thiếu của bà Q sẽ là: 45(3.000.000 x 22%) x (1 + 0,00826)= 36.091.122 đồng.
Đối với trường hợp người đã đủ tuổi để hưởng lương hưu trước ngày Thông tư 01 có hiệu lực nhưng họ chưa được đóng BHXH tự nguyện từ tháng 1-2016 do BHXH không thu. Vậy có thiệt thòi không?
– Do Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 4-4 nên BHXH TP HCM chỉ có thể thu từ ngày này trở đi. Vì thế, những người đủ tuổi từ tháng 1, 2 hoặc 3-2016 cũng chỉ có thể hưởng lương hưu từ 1-5-2016 (nếu đóng đủ trong tháng 4-2016).
Chính vì yêu cầu này của người dân mà BHXH TP HCM đã có văn bản hướng dẫn thu BHXH tự nguyện từ ngày 31-3 dù đến nay vẫn chưa có chỉ đạo, hướng dẫn từ BHXH Việt Nam. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của BHXH Việt Nam để truy trả thêm các tháng trước đó cho những trường hợp này (nếu được đồng ý).
Nếu đã đóng đủ một lần thì thời điểm nào sẽ được hưởng lương hưu?
– Thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Đóng BHXH tự nguyện tại bưu điện Người dân cần đến các đại lý thu BHXH tự nguyện tại bưu điện quận, huyện để mua BHXH tự nguyện và được hướng dẫn làm thủ tục đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu. Thủ tục gồm có: tờ khai đăng ký tham gia BHXH (đăng ký lần đầu), sổ BHXH (nếu đã từng tham gia BHXH), tờ khai thay đổi thông tin người tham gia (nếu thay đổi mức đóng, phương thức đóng). Đối với các trường hợp có yêu cầu đóng ngay một lần cho số tháng còn thiếu trong tháng 4-2016 để giải quyết ngay chế độ hưu trí thì có thể đóng và nộp yêu cầu hưởng chế độ hưu trí tại cơ quan BHXH quận, huyện nơi cư trú. |
Trường Hoàng
Theo Người lao động
Bài viết liên quan: