Chiều 15/01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế.
Trên thực tế, ba dự án luật trên đã được Quốc hội thông qua trong vòng hơn một năm qua và nay tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, qua quá trình thực hiện cho thấy, nhiều nội dung trong các luật về thuế còn bất hợp lý, không còn phù hợp. Đồng thời, từ năm 2018, Việt Nam tham gia và thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại tự do ASEAN, theo đó thuế nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0%. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế là cần thiết.
Nội dung bài viết
Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT
Tại Luật Thuế GTGT, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng nông sản, thuỷ sản khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại từ mức 5% sang đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Trong thực tiễn, thông qua công tác quản lý thu, cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định của pháp luật về thuế để mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT), sau đó mua hoá đơn có thuế GTGT để hợp thức hoá đầu vào, qua nhiều khâu trung gian trước khi bán cho cơ sở xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013, trong đó quy định cơ sở kinh doanh không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến hoặc chỉ sơ chế bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực hiện nghị định này, qua năm 2014 giảm số thuế hoàn khoảng 5.490 tỷ đồng.
Do đó, UBTVQH cho rằng việc bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT vào khoản 1 Điều 5 của Luật thuế GTGT như Dự thảo luật là cần thiết để góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận và chiếm đoạt tiền NSNN trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng nông sản.
Điều chỉnh lộ trình tăng thuế với ô tô từ 2.000-3.000 cm3
Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, UBTVQH cho biết một số ý kiến đề nghị không chia thành nhóm nhỏ đối với xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, không phân loại dung tích dưới 1.000 cm3 và đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu bán ra trong nước khá lớn, khoảng 8.650 chiếc, chiếm khoảng 89% số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống tiêu thụ trên thị trường. Do đó, nếu quy định như Luật hiện hành dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ để bán trong nước mà không chú trọng đầu tư phát triển như mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung ưu tiên phát triển đối với phân nhóm dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Do đó, UBTVQH đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 như Dự thảo luật. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019, điều chỉnh lại lộ trình tăng thuế suất đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo luật.
Cụ thể, loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống: Từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3: Từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3: Từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành).
Luật Quản lý thuế không quy định xóa nợ thuế của DNNN
Khi thảo luận về dự án luật này tại các kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đưa xóa nợ thuế vào Nghị quyết thay vì đưa vào Luật. UBTVQH bày tỏ đồng tình với các đại biểu Quốc hội vì cho rằng đây là “nội dung mang tính cá biệt”.
Mặt khác, để bảo đảm công bằng, minh bạch trong thực hiện chính sách thuế, UBTVQH chỉ đạo Ủy ban Tài chính ngân sách và cơ quan soạn thảo phối hợp, rà soát và báo cáo Quốc hội cụ thể các đối tượng đề nghị xóa nợ thuế khi Chính phủ trình theo quy định của Luật Quản lý thuế, bao gồm cả các DNNN và doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Đồng thời, UBTVQH sẽ yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với số nợ thuế trình Quốc hội.
Thành Chung
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Bài viết liên quan: