Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự và ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13, Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tôi xin trao đổi một số vấn đề mới trong 02 Bộ luật nêu trên để các đồng chí nghiên cứu, áp dụng triển khai thi hành phục vụ công tác xét xử hình sự.
>>>>.Điểm mới bộ luật dân sự 2015
Nội dung bài viết
I. ĐỐI VỚI BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015
1. Các vấn đề chung
Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 có 26 chương với 426 điều luật được chia làm 3 phần có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/7/2016.
Theo tinh thần Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội (sau đây viết tắt là Nghị quyết 109) thì các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Các tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của BLHS năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết.
Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Đối với hành vi mà BLHS năm 2015 bãi bỏ (các Điều 83, 149, 159, 165 của Bộ luật hình sự năm 1999) xảy ra trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS năm 1999) để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án, thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về các tội danh trên hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết; nếu sau ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội danh này (Điều 83, 149, 159, 165 của BLHS năm 1999) mà áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.
Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì không được căn cứ vào những quy định của BLHS năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109.
Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của BLHS năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Kể từ ngày BLHS năm 2015 được công bố:
– Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
– Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
– Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của BLHS năm 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
– Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính… Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
– Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của BLHS năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
2. Các vấn đề cụ thể
1. Đối với Điều 14 BLHS năm 2015 quy định về chuẩn bị phạm tội. Trong đó có liệt kê các tội phạm cụ thể, VKS các cấp cần so sánh, áp dụng về sự khác nhau giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, nhất là với các trường hợp người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
2. Tại Điều 18 BLHS năm 2015 về che giấu tội phạm có điểm khác với quy định tại Điều 21 của BLHS năm 1999. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự năm 2015. Những người thuộc trường hợp này sẽ không bị coi là tội phạm theo Bộ luật hình sự mới.
3. Tại Điều 19 BLHS năm 2015 về không tố giác tội phạm có điểm khác với quy định tại Điều 22 của BLHS năm 1999. Bộ luật hình sự mới quy định: Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự năm 2015.Những người thuộc trường hợp này sẽ không bị coi là tội phạm theo Bộ luật hình sự mới.
4. Đối với các quy định tại các điểm a Khoản 1, điểm c Khoản 2, Khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Do sự thay đổi chính sách pháp luật, chuyển biến tình hình thì các VKS các cấp cần đối chiếu giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 và Nghị quyết 109 đồng thời rà soát, lên sanh sách và xem xét áp dụng theo đúng tinh thần của BLHS năm 2015 và Nghị quyết 109 của Quốc hội.
5. Tại điểm x Khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 quy định về Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định: Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đây là tình tiết mới của BLHS năm 2015, các trường hợp này được áp dụng và được coi là tình tiết giảm nhẹ thuộc Khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 hiện nay.
6. Tại Điều 54 BLHS năm 2015 quy định về Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, Bộ luật hình sự năm 2015 mới bổ sung Khoản 2 Điều này, đây là điểm mới so với Điều 47 BLHS năm 1999:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Theo tinh thần Nghị quyết 109 thì quy định này sẽ được áp dụng ngay trong các vụ án cụ thể.
7. Tại Điều 62 BLHS năm 2015 về miễn chấp hành hình phạt có điểm khác với quy định tại Điều 57 của BLHS năm 1999. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt nên khi áp dụng vào các vụ án cụ thể nếu quy định của Bộ luật hình sự nào có lợi hơn cho người phạm tội thì sẽ được áp dụng (theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội).
8. Tại Điều 69 BLHS năm 2015 về xóa án tích có điểm khác với quy định tại Điều 63 của BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 quy định: Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Đây là điểm mới có lợi cho người phạm tội cần được áp dụng ngay. Tuy nhiên Bộ luật mới không quy định người phạm tội được cấp giấy chứng nhận như Bộ luật hình sự cũ. Do vậy để đảm bảo quyền của các bị cáo thì quy định này vẫn có hiệu lực đến trước ngày 01/7/2016.
9. Tại Điều 100 BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ với người chưa thành niên có điểm khác với quy định tại Điều 73 của BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định áp dụng hình phạt này cụ thể hơn và nhẹ hơn với từng độ tuổi của người chưa thành niên. Do vậy khi áp dụng vào các điều luật cụ thể theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người chưa thành niên theo từng lứa tuổi.
10. Tại Điều 102 BLHS năm 2015 về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt với người dưới 18 tuổi phạm tội là quy định mới so với BLHS năm 1999. Trong đó quy định việc áp dụng hình phạt với từng lứa tuổi. Với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội theo tinh thần nghị quyết 109 của Quốc hội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người chưa thành niên theo từng lứa tuổi đối với từng vụ án cụ thể.
11. Tại Điều 103 BLHS năm 2015 về Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội với người dưới 18 tuổi phạm tội có điểm khác với quy định tại Điều 75 của BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định áp dụng hình phạt này cụ thể hơn và nhẹ hơn với từng độ tuổi của người dưới 18 tuổi. Theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người dưới 18 tuổi theo từng lứa tuổi khi áp dụng vào các điều luật cụ thể.
12. Tại Điều 107 BLHS năm 2015 về Xóa án tích với người dưới 18 tuổi phạm tội có điểm khác với quy định tại Điều 77 của BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định việc xóa án tích cụ thể hơn và nhẹ hơn với từng độ tuổi của người dưới 18 tuổi. Theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người 18 tuổi phạm tội theo từng lứa tuổi khi áp dụng vào các điều luật cụ thể.
13. Tại điểm e, g Khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015 về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi có điểm giống và khác với quy định tại điểm c, d Khoản 3 Điều 112 của BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định áp dụng tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên hoặc phạm tôi đối với 02 người trở lên có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm. BLHS năm 1999 cũng quy định tình tiết phạm tội nhiều lần (cũng là từ 2 lần trở lên) hoặc phạm tôi đối với nhiều người (cũng là từ 02 người trở lên). Tuy nhiên khung hình phạt bắt đầu từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì việc áp dụng khung hình phạt theo BLHS năm 2015 mức án từ 12 năm đến 20 năm sẽ được áp dụng ngay với những người thực hiện hành vi này.
14. Tại Khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 về tội Đánh bạc quy định mức tiền khởi điểm để truy cứu TNHS với tội danh này là 5.000.000 đồng. VKS các cấp cần rà soát các trường hợp đánh bạc nhưng số tiền thu được có giá trị dưới 5.000.000 đồng mà không có tiền án, tiền sự về tội danh này hoặc có nhưng đã được xóa án tích thì cần chuyển sang hình thức xử phạt hành chính, miễn truy cứu TNHS theo Khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999 và tinh thần điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109 của Quốc hội (trước ngày 01/7/2016) hoặc theo điểm a Khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 (sau ngày 01/7/2016).
II. ĐỐI VỚI BỘ LUẠT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) với 510 điều chia làm 9 phần, 36 chương có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với nhiều sửa đổi, bổ sung tăng thêm 154 điều luật với 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều với một số vấn đề chính sau đây:
– Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp; tăng quyền, trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.
– Mở rộng diện người tham gia tố tụng; bổ sung diện người tham gia tố tụng, một số cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
– Bổ sung quyền của những người tham gia tố tụng theo hướng mở rộng hơn diện người tham gia tố tụng
– Điều chỉnh khái niệm chứng cứ, nguồn, thu thập chứng cứ; xử lý chặt chẽ hơn về vật chứng.
Ngoài ra Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định về rút ngắn thời hạn tạm giam, việc gia hạn tạm giam cùng nhiều bổ sung về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự…
Theo Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội (sau đây viết tắt là Nghị quyết 110) thì kể từ ngày 01/7/2016 Bộ luật dân năm 2015 có hiệu lực:
1. Đối với những vụ án do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 chưa kết thúc thì thẩm quyền giải quyết tiếp tục được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, còn các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
2. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang trong quá trình kiểm tra, xác minh nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 chưa kết thúc thì thời hạn giải quyết được tính theo thời hạn của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
3. Đối với những bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 không được tạm giam theo quy định của BLTTHS năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện kiểm sát, Tòa án quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của BLTTHS năm 2015.
4. Đối với những vụ án hình sự do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang tiến hành điều tra nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 chưa kết thúc điều tra thì thời hạn điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
5. Đối với những vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 chưa kết thúc điều tra, chưa quyết định việc truy tố hoặc chưa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được tính theo thời hạn của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Đối với những bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 và thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 456 của BLTTHS năm 2015 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử thì áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS năm 2015 để giải quyết.
6. Đối với những vụ án hình sự đã xét xử sơ thẩm theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 mà có kháng cáo, kháng nghị trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử phúc thẩm thì áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để giải quyết.
Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 mà có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng chưa giải quyết hoặc kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để giải quyết.
7. Đối với những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì người bào chữa tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa.
8. Tòa án tiếp tục áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án và các chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là một số quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và BLTTHS năm 2015, xin trao đổi để các đồng chí cùng nghiên cứu, áp dụng.
Nguyễn Thúy Vân – Trưởng phòng 7
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng
Bài viết liên quan: