Bộ Luật dân sự mới: pháp nhân được ủy quyền cho pháp nhân

Rate this post

Ngày 24-11-2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự mới, thay thế cho Bộ luật Dân sự 2005 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Văn bản pháp luật này có khá nhiều quy định mới liên quan đến chế định đại diện, ủy quyền – vốn là một mảng pháp luật có khá nhiều tranh chấp, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều giao dịch tài chính và thương mại bị tòa án tuyên vô hiệu với lý do người ký kết hợp đồng không có thẩm quyền thực hiện các hành vi này.

Pháp nhân được ủy quyền cho pháp nhân

Trong thực tế có rất nhiều giao dịch có thể làm phát sinh quan hệ ủy quyền giữa các pháp nhân, từ đó đặt ra nhu cầu chính đáng về hành lang pháp lý cho mối quan hệ đại diện này.

Bộ luật Dân sự mới đã chính thức cho phép một pháp nhân (chẳng hạn một công ty) có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác xác lập và/hoặc thực hiện giao dịch cho mình. Thực vậy, khoản 1, điều 134 quy định đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Đây là một điểm tiến bộ đáng ghi nhận so với quy định cũ. Bộ luật Dân sự 2005 dường như chỉ cho phép cá nhân là người đại diện cho cá nhân hay pháp nhân khác. Để tránh việc trái với quy định của bộ luật gốc này, một số văn bản pháp luật chuyên ngành (chẳng hạn về giao dịch bảo đảm hay chứng khoán) chỉ công nhận một cách dè dặt hoặc hàm ý khả năng một pháp nhân có thể đại diện cho một pháp nhân khác trong việc thực hiện một số giao dịch cụ thể. Điều này là một rào cản pháp lý vô hình trong khá nhiều trường hợp.

Khi một công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật với điều kiện điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật đó. Tuy nhiên, văn bản này chưa giải quyết một cách rõ ràng vấn đề bảo vệ người thứ ba trong các giao dịch do một trong số những người đại diện theo pháp luật này xác lập hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện của mình.

Điều 137 và 141 của Bộ luật Dân sự mới đi theo hướng phạm vi đại diện của từng người đại diện theo pháp luật được nêu trong điều lệ của công ty và nếu không xác định được cụ thể phạm vi đại diện trên cơ sở xem xét điều lệ thì người đại diện theo pháp luật được xem là có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

Như vậy, do không phải lúc nào cũng có thể tin tưởng vào sự ngay tình của người đại diện theo pháp luật nên muốn biết được người đại diện theo pháp luật của bên kia giao dịch ký hợp đồng với mình thực sự có thẩm quyền đại diện hay không thì (i) phải kiểm tra điều lệ của công ty đối tác và (ii) nếu điều lệ này không quy định về việc phân chia thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật thì bất cứ người đại diện theo pháp luật nào ký kết, xác lập hợp đồng thì cũng đều ràng buộc trách nhiệm của công ty đối tác này.

Tuy nhiên thực tế cho thấy không dễ có được điều lệ cập nhật của một công ty, và bên muốn giao dịch bị tuyên vô hiệu có thể tìm cách thay đổi thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật trong điều lệ. Cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự do đó khá dè dặt và chưa thực sự bảo vệ các bên thứ ba ngay tình.

Về điểm này, pháp luật của Anh quy định vì lợi ích của mọi bên thứ ba giao dịch với một công ty một cách ngay tình, quyền hạn của các giám đốc (người đại diện) được nhân danh công ty (hoặc ủy quyền lại cho người khác hành động nhân danh công ty) được coi như không chịu bất cứ giới hạn nào theo các văn bản nội bộ của công ty. Nói cách khác, một bên giao dịch với công ty không có nghĩa vụ phải tìm hiểu việc giới hạn thẩm quyền của người đại diện trong điều lệ và được coi là hành động ngay tình trừ khi công ty có thể chứng minh được điều ngược lại. Rất tiếc là một cách tiếp cận như thế chưa được đưa vào trong Luật Doanh nghiệp hay Bộ luật Dân sự mới.

Cần lưu ý, theo quy định tại điều 142, Bộ luật Dân sự mới giao dịch do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ khi (i) người được đại diện đã công nhận giao dịch, hoặc (ii) người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; hoặc (iii) người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện. Muốn cứu vãn được giao dịch do một người đại diện theo pháp luật không có thẩm quyền xác lập, bên đối tác của doanh nghiệp phải chứng minh được sự tồn tại của một trong những hành vi của doanh nghiệp này nêu trên và việc này không hề dễ dàng trong thực tế!

TS. Bùi Đức Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0932350835
wechat