Liên quan tới diễn biến tăng lương tối thiểu năm 2017, Thứ trưởng Phạm Minh Huân trước đó đã nhận định: Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 chắc chắn sẽ không thể vượt quá mức tăng 12,4 % của năm 2016. Mặc dù Hội đồng tiền lương quốc gia luôn quan tâm tới nhu cầu sống tốt hơn, làm việc với thu nhập cao hơn của người lao động.
Quan điểm này một phần dựa trên mục tiêu duy trì phát triển doanh nghiệp, từ đó tạo ra nguồn việc làm cho xã hội. Thứ trưởng Phạm Minh Huân từng lý giải: “Nếu chúng ta dồn cho tăng lương tối thiểu quá lớn, doanh nghiệp sẽ không còn gì để đầu tư để đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị để tăng năng suất lao động. Đây là thách thức lớn trong vấn đề tăng lương tối thiểu”.
Nhằm tạo sự đồng thuận, hạn chế những bất hợp lý của “mùa” tăng lương 2016, Hội đồng tiền lương quốc gia đã yêu cầu Tổng LĐLĐ VN – đại diện người lao động, Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) – đại diện giới chủ, phải gửi trước các phương án đề xuất tăng lương. Trên cơ sở đó, nhóm kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phân tích từng phương án của các bên để tư vấn.
Tổng LĐLĐ VN và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đã gần như hoàn tất các phương án đề xuất tăng lương. Dự kiến trung tuần tháng 7, Tổng LĐLĐ VN sẽ chia sẻ với công luận những căn cứ về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017.
Trao đổi quan điểm cá nhân với PV Dân trí, một chuyên gia trong nhóm soạn thảo phương án tăng lương tối thiểu của Tổng LĐLĐ VN dự đoán: “Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 khả năng sẽ không cao bằng năm 2016. Nhưng chắc chắn sẽ không dưới 10-11%. Các bên đều thống nhất rằng, lương tối thiểu còn cách khoảng 15-20% so với mức sống tối thiểu. Do vậy trong lộ trình tới năm 2018, mức tăng phải đáp ứng được tiêu chí lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu”.
Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, VCCI đã thực hiện xong các khảo sát trong các doanh nghiệp để hoàn thành phương án tăng lương tối thiểu vùng 2017.
Trước đó, trong tháng 5- 6, Hiệp hội dệt may VN đã kiến nghị lên Hội đồng tiền lương Quốc gia và Bộ LĐ-TB&XH về việc giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ năm 2017. Mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển.
Ông Trương Văn Cẩm – Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN – cho biết: “Lương tối thiểu vùng không chỉ để trả lương mà còn là công cụ để khuyến khích người lao động. Lương tối thiểu vùng 1 đã bằng 70 % thu thập khu vực làm công ăn lương (so với mức lương trung bình 4.700.000 đồng). Do vậy, điều này đã triệt tiêu tính khuyến khích và các hình thức thưởng liên quan để động viên người lao động”.
Được biết, mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 đạt 12.4 % là căn cứ để Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ phê duyệt phương án lương tối thiểu. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 như sau:
Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015);
Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015);
Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015);
Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).
“Mùa” tăng lương tối thiểu năm 2016 đã diễn ra những tranh luận khá nóng giữa các bên. Độ vênh ban đầu về đề xuất tăng lương của các bên cách xa nhau. Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng “lằn ranh đỏ” ít nhất phải đạt 14,3 %. Trong khi đó, đại diện VCCI trước khi bước vào phòng họp đề xuất mức tăng 10%.
Các bên đã trải qua 2 Phiên họp không đạt được tiếng nói chung trong tháng 9/2015. Thứ trưởng Phạm Minh Huân đã từng phải tuyên bố sẽ dùng quyền của Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia để phân định kết quả cuối cùng, nếu cuộc họp lần thứ 3 không đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, cuộc họp lần thứ 3 (ngày 3/9/2015), các bên đã bỏ phiếu để chọn phương án tăng lương tối thiểu 2016 ở mức 12.4%.
Bài viết liên quan: